Ngày 27-3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ năm, Ủy ban Xã hội đã báo cáo về một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi).
Theo Ủy ban Xã hội, khi cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng chế độ tiền lương mới (mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới). Như vậy, từ ngày 1-7-2024, khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương sẽ phát sinh một số vấn đề liên quan đến dự thảo luật.
Cụ thể về lương hưu, do bãi bỏ mức lương cơ sở nên sẽ không còn căn cứ điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH để tính lương hưu. Đồng thời, không còn căn cứ để tính hưởng một số chế độ BHXH và một số chế độ quy định ở các luật khác.
“Tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của nhóm đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định sẽ tăng lên so với hiện hành, dẫn đến tiền đóng BHXH cũng tăng đáng kể. Điều này làm tăng phần chi ngân sách nhà nước đóng cho nhóm này” - Ủy ban Xã hội nêu.
Ngoài ra, cải cách tiền lương sẽ làm phát sinh chênh lệch khá lớn về lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau ngày 1-7. Cụ thể, nếu nghỉ hưu sau cải cách chính sách tiền lương 4-6 năm, lương hưu có thể tăng 40%-50% so với lương hưu của những người nghỉ hưu trước đó.
Từ những phát sinh về lương hưu này, Thường trực Ủy ban Xã hội nhận định Chính phủ cần làm rõ căn cứ để tính quy đổi thành mức tiền tuyệt đối khi chuyển xếp lương mới, mức sàn an sinh xã hội tối thiểu và căn cứ tính.
Bên cạnh đó, cần làm rõ căn cứ để tính và điều chỉnh lương hưu, các khoản trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở khi cải cách tiền lương. Cơ cấu tiền lương làm căn cứ đóng BHXH với các đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định cũng cần làm rõ gồm các khoản phụ cấp nào.
Chính phủ cũng cần làm rõ những phát sinh cụ thể về lương hưu, các chế độ trợ cấp BHXH hằng tháng với lực lượng vũ trang. Song song đó, rà soát và báo cáo, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, bao gồm cả quy định việc thay thế mức lương cơ sở hiện hữu trong nhiều văn bản luật, nghị định, thông tư liên quan.
Theo Thường trực Ủy ban Xã hội, cải cách tiền lương là vấn đề lớn và khó, tác động đến nhiều đối tượng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải quyết các chế độ BHXH. Do đó, đề nghị Chính phủ đề xuất phương án sửa đổi cụ thể trên cơ sở giải quyết thấu đáo những vấn đề đặt ra và báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận một lần, dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội có hai phương án.
Phương án 1, người lao động (NLĐ) được chia hai nhóm. Nhóm 1 tiếp tục được rút BHXH một lần đối với người tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1-7-2025) sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện.
Sự khác biệt của dự thảo luật với quy định hiện hành là nếu NLĐ lựa chọn không rút BHXH một lần thì khi đến tuổi nghỉ hưu mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu (có thời gian đóng không đủ 15 năm) và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, có thể được hưởng các quyền lợi bổ sung.
Ví dụ, hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính phần bảo lưu của mình trong thời gian từ khi đủ tuổi nghỉ hưu đến trước tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (75 tuổi). Trong thời gian này được ngân sách nhà nước đóng BHYT, nếu chết thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng...
Nhóm 2, NLĐ tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi không được áp dụng quy định này.
Phương án 2, NLĐ được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí, tử tuất. Phần còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Ủy ban Xã hội cho hay đa số ủng hộ phương án 1 do Chính phủ trình do có nhiều ưu điểm. Cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây xáo trộn trong xã hội, không làm ảnh hưởng nhiều đến người đang tham gia BHXH.
Ngoài ra, phương án 1 còn hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về BHXH. Hạn chế được tình trạng một người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH một lần như vừa qua.
Tuy nhiên, có ý kiến đồng tình với phương án 2 do không tạo “lát cắt” giữa các đối tượng tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị thiết kế phương án có lộ trình phù hợp hoặc một phương án có nhiều phương thức để NLĐ lựa chọn hoặc điều chỉnh tỉ lệ hưởng…
Lấy ý kiến của đại biểu về phương án BHXH một lần
Về phương án rút BHXH một lần, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng dù lựa chọn phương án nào thì đều phải có giải pháp giữ NLĐ ở lại thị trường lao động, đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục giải trình ưu điểm, nhược điểm của hai phương án Chính phủ trình.
Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến và cho phép lấy ý kiến của đại biểu bằng phiếu về quy định này.
ĐỨC MINH (PLO).