SỞ TƯ PHÁP THÀNH PHỐ CẦN THƠ
VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG TÂY NAM
T1-6 Tây Nguyên Plaza, Đường Võ Nguyên Giáp P. Phú Thứ, Q. Cái Răng, TP Cần Thơ

Không có bến đỗ an toàn cho quan chức kê khai tài sản gian dối

ông tác kê khai tài sản, thu nhập đòi hỏi cán bộ, đảng viên, người có chức vụ, quyền hạn phải tự giác, trung thực. Ấy thế nhưng vẫn có người nghĩ “nào ai có khảo mà mình lại xưng” để rồi cuối cùng phải nhận trái đắng, “mất cả chì lẫn chài”…

Theo Luật Phòng, chống tham nhũng, cán bộ, công chức, người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên… có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập và mọi biến động về tài sản, thu nhập của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên một cách trung thực.

Mục đích của việc kê khai là để khi cần thiết, cơ quan có thẩm quyền có thể kiểm tra biến động tài sản của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn. Qua đó, cơ quan có thẩm quyền có thể phát hiện phần tài sản dôi dư là minh bạch hay bất chính.

Tuy vậy, công tác này không phải lúc nào cũng thuận lợi xét dưới góc độ quy định của pháp luật lẫn triển khai thi hành. Về mặt pháp lý, hiện nay mặc dù Điều 30 Luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định nhưng vẫn xuất hiện những trường hợp không xác định được cơ quan thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập đối với người thuộc diện phải kê khai…

ke-khai-tai-san.jpg
Công tác kê khai tài sản, thu nhập đòi hỏi cán bộ, đảng viên, người có chức vụ, quyền hạn phải tự giác, trung thực.
 

Thực tiễn triển khai thi hành việc kê khai tài sản còn nhiều vướng mắc hơn. Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, sáu tháng đầu năm 2024 có 1.083 cơ quan, đơn vị, tổ chức đã được kiểm tra về công tác kê khai, công khai tài sản, thu nhập. Thế nhưng vẫn còn 9 bộ, ngành và 42 địa phương chưa gửi báo cáo hoặc có báo cáo nhưng không gửi kèm biểu mẫu, số liệu minh chứng. Như vậy, ngay trong nội bộ các cơ quan nhà nước mà việc triển khai thi hành vẫn chưa được thực hiện nhất quán.

Nghị định 130/2020 quy định cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Số cơ quan, tổ chức, đơn vị được tiến hành xác minh tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của mình và số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM… có số lượng người thuộc diện phải xác minh ngẫu nhiên rất lớn. Điều này gây quá tải cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong bối cảnh hạn hẹp về tổ chức, biên chế, nguồn lực, đồng thời vẫn phải đảm nhiệm đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ khác.

Bên cạnh đó, tình trạng người thuộc diện phải kê khai không trung thực trong quá trình kê khai vẫn khá phổ biến. Việc kê khai không trung thực xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có việc sợ bị phát hiện tài sản bất minh theo kiểu “nào ai có khảo mà mình lại xưng”. Bên cạnh đó, có thể người ta còn ngần ngại khi phơi bày con số về tài sản (dù ít hay nhiều) của mình - một lĩnh vực vốn mang tính tế nhị, đời tư, ai cũng muốn được bảo mật...

 

Tuy nhiên, đã là đảng viên, người giữ chức vụ, quyền hạn thuộc diện phải kê khai thì phải làm đủ, làm đúng, không nên khai gian dối. Biết rằng về lý thuyết rất có thể bản kê khai này không bị kiểm tra, đối chiếu, không bị phát hiện. Song người kê khai gian dối sẽ có khoảng thời gian sống trong lo âu, sợ hãi khi tổ chức tiến hành bốc thăm để xác minh tài sản. Và nếu bị lộ, coi như mọi thứ chấm hết, mất hết. Đó là cái giá phải trả rất đắt!

ke-khai-tai-san-1.jpg
Không có bến đỗ an toàn cho những quan chức kê khai tài sản, thu nhập kiểu đối phó, không trung thực.

Ông bà ta có câu “cây kim trong bọc ắt có ngày lòi ra”. Vào tháng 3-2024, bà Nguyễn Thị Hương Giang (Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) bị “bốc hơi” hơn 170 tỉ đồng trong tài khoản. Dư luận tự hỏi là trong tài khoản của quan chức này tại sao lại có số tiền “khủng” đến vậy, tiền trong tài khoản đã nhiều như thế thì “của chìm của nổi” còn nhiều đến đâu nữa? Và với lý do không trung thực trong kê khai tài sản, cuối cùng bà Giang đã bị cách chức phó bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện, xem như “mất cả chì lẫn chài”.

Một ví dụ khác hồi năm ngoái hẳn nhiều người còn nhớ, đó là trường hợp của cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ. Theo đó, ngày 2-10-2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra quyết định thi hành kỷ luật cách tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Theo kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ông Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập; giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định.

 

Thật đúng là không có bến đỗ an toàn cho những quan chức kê khai tài sản, thu nhập kiểu đối phó, không trung thực!